Người viết: Đinh Thức
Chiếc ghe 12 thước với khoảng 50 người già, trẻ, lớn, bé, nam, nữ, khoảng một nửa là thanh niên cuối cùng đã cặp bờ biển Thái Lan. Đang lúc nửa đêm nhưng ánh trăng tỏ nên có thể nhìn thấy chung quanh. Bãi biển hoàn toàn yên lặng ngoại trừ những tiếng sóng vỗ nhẹ vào bờ rì rào đều đặn. Máy ghe đã được giảm ga thật nhỏ từ lúc còn cách xa bờ cả nửa cây số. Trên bờ là những bóng dừa lung linh phất phơ nhè nhẹ theo gió biển. Xa xa dọc theo bờ biển nhấp nháy những ánh đèn xanh đỏ của những ghe lưới và xóm chài, lung linh le lói trông thật đẹp trên nền trời đêm đen kịt.
Ghe đã đụng bờ nhưng còn cách mé nước khoảng 15, 20 mét. Chúng tôi im lặng và từ từ xuống khỏi ghe, thanh niên trước rồi đến người già và con nít, nắm tay dìu nhau lội lên bờ, tuy gần bờ nhưng nước cũng đến ngang ngực và thỉnh thoảng theo sóng ngập tới cổ. Chiếc ghe quay mũi nhè nhẹ và lẳng lặng biến mất trong đêm sau khi tất cả mọi người đã lên được bờ. Cả đám co ro túm tụm dưới những gốc dừa, tuy không ai nói tiếng nào nhưng mọi người đều yên tâm trong bụng vì đã đặt chân trên đất liền, không còn lo sợ vì lênh đênh trên biển chưa biết sẽ về đâu.
Bốn ngày trước, vào lúc nửa đêm, chúng tôi tập hợp từng nhóm vài người đến một bờ biển hoang vắng, sình lầy trên đất Campuchia (có lẽ trong khu vực Koh Kong), sau đó từng nhóm khoảng 10 người xuống xuồng nhỏ để ra ghe lớn nằm cách độ độ vài trăm thước. Mọi việc êm xuôi, ghe nổ máy lướt sóng êm ả nhắm hướng Thái Lan. Gió nhẹ, biển lặng, chung quanh vắng lặng ngoài tiếng máy ghe nổ đều và tiếng sóng vỗ mạn ghe lúc trồi lên thụp xuống.
Ghe đang chạy êm ru được khoảng vài tiếng bỗng dừng, tôi đang nằm đằng mũi ghe, quay vào hỏi tài công lý do và được ông cho biết là ghe bị gẫy láp chân vịt. Lòng tôi chùng xuống vì lo âu và chán nản, hình ảnh công an cầm AK lùa từng đám vào trại giam mập mờ trong đầu… Thất vọng thêm khi biết là chiếc ghe vô phương cứu chữa và phó mặc cho gió đưa trôi nổi lềnh bềnh không biết về đâu.
Ghe trôi như thế khoảng đâu vài giờ bỗng nghe những tiếng lục cục va vào đáy ghe và có tiếng ai la lớn: “Đá ngầm. Ghe đụng đá ngầm !”. Mọi người hoảng hốt, một vài thanh niên chui từ dưới hầm ghe lên, chúng tôi bàn tán với nhau phải tìm cách đẩy ghe ra, nếu không ghe nứt, nước vào là chết ! Tôi bảo mấy thanh niên tìm mỗi người một vật gì có thể làm chèo để quạt nước đẩy ghe ra, tuy nhiên kiếm được có vài miếng ván vụn chèo chắng ăn thua gì. Loay hoay như thế một hồi, ghe vẫn cứ va vào đá kêu lục cục, lục cục theo nhịp sóng đưa đẩy.
Vì biết có đá ngầm và có thể lội xuống được, tôi và một số thanh niên đã nhẩy xuống nước và đẩy ghe ra từ từ khỏi bãi đá ngầm. Một lúc sau khi hì hục vừa bơi vừa đẩy, ghe đã nhích dần ra khỏi bãi đá và gió nhẹ nhẹ đưa ghe trôi theo một phía khác. Không còn nghe thấy tiếng lục cục, mọi người leo lên ghe ướt run, có vài thanh niên bàn chân bị đá san hô cứa nát máu chẩy be bét. Ghe trôi tự do khoảng vài tiếng, trời mờ mờ sáng, chúng tôi bỗng thấy ẩn hiện đốm xam xám tít xa xa…
Trôi thêm một lúc nữa, xa xa ẩn hiện những ngọn núi xanh xanh mờ nhạt, đất liền càng rõ dần theo chiều gió xuôi. Đó là một hòn đảo nhỏ, không thấy người hay ghe thuyền sinh hoạt chung quanh. Khi còn cách đảo khoảng nửa cây số, vì nóng lòng và sợ gió chuyển đưa ghe trôi hướng khác, tôi bàn với chủ ghe, cùng nắm dây thừng kéo ghe bơi vào bờ cho lẹ, ông gật đầu và cả hai cùng nhẩy tỏm xuống biển, sau đó mấy thanh niên trên ghe quăng dây thừng xuống cho hai người ôm bơi vào bờ.
Bơi đã lâu, dây căng hết cỡ, không biết ghe có gần bờ hơn được chút nào không ? Nhưng cả hai người cùng đuối sức muốn chìm nếu tiếp tục vừa bơi vừa kéo dây. Tôi nhìn thấy bờ còn gần 1, 2 trăm mét nữa nên quay lại hét to với chủ ghe đang ôm dây bơi sau cách tôi khoảng 10 mét: “Tôi không kéo nổi nữa rồi. Buông dây bơi vào bờ lẹ đi thôi !”. Ông gật đầu đồng ý và cả hai buông thừng cố bơi vào bờ, tôi bò lết lên trước và ông cách sau khoảng 10, 15 mét. Đảo này là đảo hoang, không thấy bóng người.
Vì đuối sức, cả hai nằm im bất động tại mép nước một lúc, sau đó lần mò bước trên cát vào đảo. Hai người đứng nhìn thấy ghe vẫn bồng bềnh xa xa ngoài biển, không biết làm cách nào chỉ mong sao gió sẽ đưa đẩy ghe trôi dần vào đảo. Tôi quay lại nhìn tứ phía trên đảo, chỉ thấy rừng cây khắp nơi ngoài ra không có dấu hiệu có người ở. Tôi rảo bước lên bờ cát và bước sâu vào đảo, xuyên qua những lùm cây thấp rải rảc gần bờ, vào sâu trong bắt đầu là bìa rừng, cây cao và rậm rạp có thể trú ẩn được. Loanh quanh trăm mét gần đó rồi tôi và chủ ghe mỗi người đặt lưng xuống một bãi cát và thiếp đi lúc nào không hay vì mệt mỏi và bất lực.
Không biết chợp mắt được bao lâu, đến khi bừng dậy thì đã thấy những người cùng ghe lố nhố xuống ghe lội lên bờ. Chúng tôi mừng quýnh chạy ra đón và hướng dẫn họ vào sâu trong mấy lùm cây khuất có bóng mát trên đảo để trú ẩn, vì có thể bị phát giác và bị bắt. Sau khi đã chui nấp, tôi hỏi nhỏ mấy người mới lên và được biết là tài công đã nhờ một ghe đánh cá tình cờ đi qua kéo vào đảo vì máy ghe bị trục trặc; tuy kéo dùm (có trả tiền) nhưng họ không biết là ghe chở người vượt biên vì treo cờ Campuchia và mọi người nằm dưới những khoang đậy kín, chỉ lên đảo sau khi chiếc ghe đánh cá đã đi khỏi.
Chủ ghe và tôi cùng bàn tính rồi cho mọi người biết ý định là để lại mọi người ở đảo, đồng thời sẽ nhờ ghe đánh cá kéo ngược về Campuchia để sửa chữa, sau đó sẽ quay ra đón mọi người đi tiếp, có lẽ sẽ phải mất vài ngày.
Không hiểu gặp may mắn thế nào mà chỉ mấy tiếng sau đã thấy ghe chở chúng tôi biến đâu mất. Chúng tôi vừa lo sợ, vừa chán nản vì không biết rồi sẽ ra sao, họ có thật sự quay về sửa ghe rồi quay lại đón hay bỏ mặc mọi người sống chết trên đảo ? Không biết có gì trục trặc khi ghe quay về Campuchia để sửa chữa và bao lâu mới xong ?
Lo âu nhưng không làm gì được, đành nằm trong bụi chờ đợi, mỗi chỗ một nhóm vài người. Một ngày qua, rồi hai ngày qua, tôi và thằng V. ngày nào cũng mấy bận bò ra mấy lùm cây gần bờ ngóng nhìn ra xa ngoài khơi xem ghe đã quay lại chưa. Bên trong, một số người còn ít lương thực mang theo dự trữ cũng đem ra thổi nấu ăn, tôi không hiểu họ lấy đâu ra xoong để thổi cơm và họ chia cho nhau mỗi người một dúm cơm đựng trên lá cây, tuy ba ngày chẳng ăn uống gì mà cũng không thấy đói.
Trông ngóng mãi cũng không thấy gì, ba ngày chỉ thấy 1, 2 lần ẩn hiện bóng con tầu nào đó tít mù xa rồi mất dạng trong chốc lát. Chúng tôi tiếp tục im lặng nằm chờ.
Xế chiều ngày thứ ba chiếc ghe quay trở lại thật, đúng như lời nói của chủ ghe. Từ trong lùm bụi nối đuôi nhau lếch thếch chui ra bãi biển, mọi người đã thấy ghe cặp bờ từ lúc nào. Lại dắt dìu, bồng bế, nâng đỡ nhau lên ghe. Tuy vậy lần này thong thả, thứ tự và thoải mái hơn vì giữa ban ngày không phải chui rúc, trốn tránh; đồng thời cũng mừng vì biết chắc ghe đã được sửa và chủ ghe thành thật muốn đưa người đến nơi đến chốn. Lên ghe đâu vào đó, ghe quay mũi khởi hành tiếp tục. Mọi người chia nhau đồ ăn, sữa, nước uống mới mang ra theo ghe. Ai cũng cảm thấy phấn chấn và hy vọng sau những ngày chờ đợi mù mờ, lo âu.
Tiếng máy ghe nổ đều bình bịch, bình bịch. Tôi ngồi buông chân xuống dưới nước ngay đuôi ghe nên nghe rõ tiếng máy và những cuộn sóng đều đều do chân vịt quậy lên. Chạy được một chập trời bắt đầu tối. Biển nhấp nhô những làn sóng nhỏ bạc đầu thỉnh thoảng hất tung nước lên trên mũi ghe. Trời lặng gió, vì ghe chạy gần bờ, tôi nghĩ chỉ khoảng 2, 3 cây số cách đất liền và là vùng biển trong Vịnh Thái Lan, không phải mênh mông như khu vực ngoài biển Đông, có lẽ vì vậy mà biển ít sóng lớn hơn chăng ?
Tôi lại leo lên nằm trên đằng mũi ghe nên có thể quan sát rõ ràng. Máy vẫn nổ đều và êm, ghe vẫn lướt sóng bồng bềnh nhồi lên thụp xuống. Ghe đang tiến về hướng Thái Lan với lá cờ Campuchia màu đỏ lớn bằng cái áo sơmi phất phới bay trên cabin ghe, ghe khác mà có nhìn thấy cũng chỉ tưởng là ghe đánh cá bình thường như bao ghe khác mà thôi. Lúc sau, khi ghe vào hải phận Thái Lan, lá cờ đã được thay bằng cờ Thái. Thật ra suốt thời gian nằm trên mũi, tôi chẳng thấy một chiếc nào khác ngoài ghe mình, mãi gần 7, 8 tiếng sau đó khi vào vùng biển gần bờ Thái Lan mới thấy nhiều ghe, tầu neo đậu và đốt đèn sáng lung linh, chập chờn.
Trở lại lúc đổ bộ lên bờ biển Thái Lan. Có lẽ khoảng 4, 5 giờ sáng gì đó. Vì vùng vịnh nhỏ và chạy gần bờ nên nếu thuận buồm xuôi gió, từ Koh Kong của Campuchia qua tới vùng đất đầu Klongyai* của Thái Lan chỉ độ 10 tiếng đồng hồ thôi.
Photo from: The road of paradise to Indochina
Chờ đến lúc trời sáng hẳn. Quan sát khu vực chung quanh bãi biển, gần đó chỉ thấy một cái nhà sàn bằng gỗ đơn sơ nhưng gọn gàng cất giữa những vườn cây yên tĩnh. Một vài người chúng tôi thong thả nhìn trước sau rồi mon men đến gần. Trước nhà có để một lu nước mưa và cái gáo dừa úp trên miệng, giống như ở miền quê Việt Nam vậy. Đang đứng ngơ ngác thì một thiếu phụ Thái từ trong nhà bước ra gật đầu chào, thiếu phụ trông hiền lành và thân thiện. Chúng tôi ra dấu xin nước uống và đáp lại cô ta chỉ cái lu và tỏ dấu cứ tự nhiên. Sau đó chúng tôi cám ơn và trở lui loanh quanh ngoài bãi biển.
Khoảng tiếng đồng hồ sau, có 1 gã thanh niên người Thái đầu trọc, da ngăm đen, có lẽ là người dân xóm này. Y kêu chúng tôi vào khoảng sân trống trước nhà thiếu phụ và xếp hàng một. Sau đó y đi lục soát từng người một, đến người đứng trước tôi hắn dừng. Lúc sau, nghe vài người kể lại hắn lục kiếm tiền của. Bỗng một chiếc xe Jeep phía trước mặt từ xa chạy nhanh lại và thắng kẹt trước đám đông. Một người đàn ông trung niên Thái bận quân phục xanh bước xuống và hình như ông ta nói bằng tiếng Việt lơ lớ cho mọi người biết là sẽ có xe đến đón mọi người về trại ở gần đây.
Gọi là trại Klongyai và sau khi được chở đến đó, tôi hỏi một nhóm nhỏ người Việt cũng vượt biên đến đó trước và được họ cho biết tên trại, do hỏi từ gã trưởng trại người Thái biết đôi chút tiếng Việt. Thật ra đó không phải là trại, mà là những khung nhà gỗ được phủ bạt nhựa xanh làm nóc, tứ bề trống lốc. Những nhà này nằm chen lẫn trong những khu đất trống cạnh những nhà dân Thái. Vùng này nằm gần biển và cả đồi núi nên thưa thớt dân và không khí dễ thở. Chúng tôi được sắp xếp chỗ và lãnh một số vật dụng cùng khẩu phần lương thực cho ngày.
Vài ngày sau, tôi bán chiếc khâu vàng mà mẹ tôi dúi vội vào tay trước khi rời khỏi nhà ra đi. Không biết là mấy chỉ nhưng bán được khoảng 1.500 Bath tiền Thái. Nhờ người đánh hộ điện tín về cho gia đình tốn hết khoảng 500 Bath. Cho người bạn cùng ghe mượn 500 cũng để đánh điện tín. Còn lại khoảng 500 mua sắm nồi xoong linh tinh và xài vặt ít ngày.
Ở đây khoảng nửa tháng. Cả ngày chẳng làm gì cả, chỉ lo lãnh lương thực, nấu nướng, tắm rửa và đi loanh quanh chơi; tuy nhiên vì không biết tiếng Thái nên chỉ loanh quanh gần đó. Một đôi lần được tập họp để làm danh sách, giấy tờ cá nhân và được cho biết mang máng là sẽ chuyển đến một trại khác có Cao Ủy Tị Nạn đảm trách và sẽ làm những thủ tục phỏng vấn về định cư.
Như vậy là cũng vui lắm rồi ! Chuyến ghe đến nơi an toàn. Không ai bị mất mát. Được người đón nhận và giúp đỡ. Có lẽ gia đình ở Việt Nam cũng đã nhận được điện tín và hay tin. Mọi chuyện sắp tới sẽ tùy thuộc phần lớn vào Cao Ủy Tị Nạn Liên Hợp Quốc (UNHCR United Nations High Commissioner for Refugees).
San Jose, California 12/2007
(Bài viết lại từ ký ức nên có thể không được chính xác, mong bạn đọc thông cảm.)
* Phụ chú:
Khlong Yai là một quận thuộc tỉnh Trat của Thái Lan, nằm dọc với ranh giới tỉnh Koh Kong của Cam Bốt.
Bài viết cùng tác giả: Trại tị nạn Phanat Nikhom – Thái Lan 12-1987
-----------
Websites (Links):
Panatnikhom Transit Center
Bataan Philippine Refugee Processing Center - PRPC
Trại tị nạn đường bộ Phanat Nikhom...
Hình Ảnh Trại Tị Nạn Việt Nam
Refugee Camps Net
Tài liệu đọc thêm:
Website |
Tuyển tập: CHUYỆN KỂ HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG (Nhiều tác giả)
Văn khố Thuyền nhân Việt Nam
-----------
Quick facts
Khlong Yai is a district of Trat Province, eastern Thailand. A border crossing into Cambodia is at Hat Lek, known as the Cham Yeam crossing in Koh Kong Province of Cambodia. The nearest Cambodian city is Koh Kong.Wikipedia
- Population:
- 23,981 (2000)
- Area:
- 19.38 mi²
- Province:
- Trat Province
No comments:
Post a Comment